
Nếu sử dụng hợp lý, thẻ tín dụng là một công cụ rất tiện lợi trong việc mua sắm đồ công nghệ như smartphone, tablet, laptop hay đồng hồ thông minh. Ngược lại, khi quẹt thẻ thiếu cân nhắc, người dùng sẽ phải đối mặt với nhiều gánh nặng tài chính.
Vậy, như thế nào là sử dụng thẻ tín dụng đúng cách? Dưới đây là phần chia sẻ của mình, một người đã chi tiêu bằng thẻ tín dụng được 3 năm. Hi vọng rằng chúng sẽ giúp ích cho các bạn nhé!
Thẻ tín dụng là gì?
Nói một cách ngắn gọn, thẻ tín dụng là loại thẻ “chi trước, trả tiền sau”, tức ngân hàng sẽ cấp cho bạn một hạn mức chi tiêu dựa trên giấy tờ chứng minh thu nhập hoặc tài sản mà bạn sở hữu. Thu nhập càng cao hoặc tài sản sở hữu có giá trị càng lớn, bạn sẽ được cấp hạn mức tín dụng càng cao, có thể lên đến hàng trăm triệu.

Bạn không cần phải nộp tiền vào thẻ mà vẫn có thể thanh toán các giao dịch mua hàng hóa – dịch vụ, dù là online hay offline. Sau đó, bạn sẽ phải đóng tiền trả lại cho ngân hàng theo lịch được họ quy định sẵn.
Thẻ tín dụng mang lại lợi ích gì?
Như vừa nêu trên, với đặc tính “quẹt trước trả sau”, thẻ tín dụng có thể xem như một công cụ giúp bạn vay tiền. Đặc biệt, nếu thanh toán lại khoản tiền đã vay cho ngân hàng theo đúng thời hạn, bạn sẽ được miễn lãi suất (khoảng thời gian không tính lãi có thể lên đến 45 – 55 ngày tùy ngân hàng), rất tiện lợi trong trường hợp bạn chưa có tiền mặt tại thời điểm cần mua hàng.
Hơn nữa, nhiều ngân hàng hợp tác với cửa hàng, siêu thị, trường học, phòng gym… cung cấp các gói mua trả góp 0% lãi suất, giúp bạn dễ dàng mua điện thoại, đóng tiền học tiếng Anh hay thanh toán phí tập gym mà không phải bỏ ra chi phí ban đầu (hoặc chỉ phải bỏ ra một khoản nhỏ), sau đó cũng chỉ cần đóng tiền góp hàng tháng, giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí khi mua hàng hóa – dịch vụ có giá cao.

Dùng thẻ tín dụng, phải ghi nhớ những gì?
Vì không phải nộp tiền vào tài khoản mà vẫn có thể chi tiêu nên nhiều người không kiềm chế được những “cơn thèm mua sắm”, cứ thoải mái quẹt thẻ mà không cân nhắc kỹ về điều kiện tài chính của bản thân.
Ví dụ: Lương tháng của bạn là 10 triệu, bạn được cấp thẻ tín dụng hạn mức 20 triệu. Bạn dùng thẻ mua quần áo hết 4 triệu, giày 2 triệu, túi xách 2 triệu, nghĩa là tháng sau bạn chỉ còn đúng 2 triệu để chi tiêu vào tiền ăn uống, đổ xăng, mua thẻ cào, trả tiền thuê nhà, uống cafe, đi nhậu, đi đám cưới… vì bạn phải trả cho ngân hàng 8 triệu nếu không muốn bị tính lãi.
Nếu thanh toán đúng hạn, bạn sẽ được miễn lãi, còn ngược lại, lãi suất tất nhiên sẽ được áp dụng, nhưng ở mức cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay thông thường.

Trường hợp tệ hơn nữa là bạn không thanh toán đầy đủ hoặc chưa đủ số tiền tối thiểu mà ngân hàng yêu cầu khi đã quá hạn thanh toán, điểm tín dụng của bạn có thể sẽ bị giảm, gây ra nhiều khó khăn khi bạn muốn gia hạn thẻ (thẻ tín dụng thường chỉ có hạn sử dụng từ 3 – 5 năm) hay vay một số tiền lớn sau này.
Vì vậy, thẻ tín dụng sẽ chỉ là “trợ thủ” đắc lực nếu bạn ghi nhớ những điều sau:
– Suy nghĩ kỹ trước khi quẹt/điền thẻ giao dịch online. Hãy nhớ một tháng mình làm ra được bao nhiêu tiền, sau khi nhận lương thì phải dùng số tiền đó trả những loại chi phí cố định nào để đi đến quyết định mua sắm đúng đắn nhất. Đừng để rơi vào tình trạng “quẹt đã đời, xài smartphone sướng tay” rồi sau đó gồng mình trả nợ cả gốc lẫn lãi.
– Một số giao dịch trả góp 0% lãi suất sẽ yêu cầu bạn trả thêm phí chuyển đổi (tùy chính sách nơi bán và chính sách từng ngân hàng), phí này tuy không lớn nhưng bạn cũng nên cân nhắc.
– Quẹt được thì phải trả được, nếu cần thiết thì phải “cày” thêm việc, tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm các loại chi phí khác.

– Dù thế nào cũng nên cố gắng thanh toán đúng hạn, nếu chưa đủ 100% khoản phải trả thì phải đủ khoản tối thiểu (một số ngân hàng quy định là 5%). Việc này sẽ duy trì điểm tín dụng, giúp bạn thuận lợi hơn nếu về sau cần vay mua xe ô tô hay mua nhà.
– Nếu chưa thanh toán đủ cho tháng này, hãy cố gắng hoàn tất càng sớm càng tốt (còn cứ tiếp tục chỉ trả khoản tối thiểu thì lãi sẽ phát sinh từ tháng này qua tháng nọ).
Chúc các bạn đang sở hữu thẻ tín dụng sẽ tận dụng được hết những lợi ích mà nó mang lại và không gặp phải bất kỳ rắc rối tài chính nào!